Khó thở hụt hơi là những triệu chứng dễ nhận thấy trong cuộc sống. Nhưng không được vì thế mà xem thường vì những dấu hiệu đó có thể là báo hiệu của bệnh lý về tim hoặc phổi, cần phải được nhanh chóng chẩn đoán và can thiệp sớm.
Mục lục:
Khó thở hụt hơi là gì?
Khó thở có thể xem là hiện tượng đói không khí hoặc hụt hơi là một vấn đề hô hấp khá phổ biến. Trung bình cứ 4 người đến khám bệnh liên quan đến hô hấp thì có 1 người mắc chứng khó thở. Triệu chứng này làm cho bệnh nhân luôn ở trong tình trạng thiếu oxy dẫn đến mệt mỏi , tức ngực, hô hấp khó khăn, hơi thở đứt quãng.
Tình trạng hụt hơi không thể hô hấp bình thường được chia thành nhiều cấp độ, xảy ra từ nhẹ đến nặng, từ tạm thời đến kéo dài. Việc chẩn đoán, điều trị phải xác định đúng nguyên nhân để trị tận gốc.
Các triệu chứng bên ngoài khó thở, hụt hơi thường gặp
Một người trưởng thành khỏe mạnh có nhịp thở ở trạng thái trung bình là 20 lần/phút (khoảng 30.000 lần/ngày). Trong những trường hợp vận động mạnh hay bị cảm lạnh, nhịp thở sẽ tăng lên hoặc chậm lại nhưng sẽ không có cảm giác hụt hơi.
Hãy cảnh giác nếu nhận thấy nhịp thở của mình xuất hiện những biểu hiện sau:
- Cảm thấy ngột ngạt, ngạt thở
- Thở gấp
- Tức ngực
- Thở nhanh, nông
- Tim đập nhanh
- Thở khò khè
- Ho
Nguyên nhân gây khó thở hụt hơi
Trong một số trường hợp, khó thở được coi là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Đó là vào lúc bạn tập thể dục quá sức, leo núi, leo cầu thang quá nhiều, hoạt động nặng trong một thời gian dài mà không nghỉ ngơi. Tình trạng khó thở sẽ hết nếu bạn ngừng các hoạt động thể chất kể trên. Tuy nhiên, nếu tình trạng xảy ra liên tục mà không phải do các hoạt động tập luyện quá sức, rất có thể bạn đang mắc phải bệnh lý nào đó.
Triệu chứng xuất hiện một cách đột ngột, được gọi là thở cấp tính. Thường do một số nguyên nhân là:
- Lo lắng căng thẳng trong thời gian dài
- Viêm phổi
- Nghẹt thở hay hít phải dị vật làm ngăn cản sự lưu thông không khí trong đường hô hấp
- Dị ứng
- Thiếu máu
- Tiếp xúc với carbon monoxide nồng độ cao
- Hạ huyết áp
- Thuyên tắc phổi (một cục máu đông tồn tại ở vị trí động mạch phổi)
- Vỡ phổi
- Thoát vị gián đoạn
- Bệnh nan y giai đoạn cuối
Nếu một người gặp tình trạng khó thở so với người bình thường kéo dài hơn một tháng, tình trạng này sẽ được đưa vào mãn tính. Nguyên nhân có thể do:
- Hen suyễn
- Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Vấn đề tim mạch
- Thừa cân – béo phì
- Xơ phổi mô kẽ (một loại bệnh gây sẹo ở mô phổi)
Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể kéo theo tình trạng hụt hơi như:
- Croup (viêm thanh khí phế quản cấp)
- Chấn thương phổi
- Ung thư phổi
- Lao phổi
- Viêm màng phổi (tình trạng viêm ở các mô xung quanh phổi)
- Phù phổi (xảy ra khi phổi tích tụ nhiều chất lỏng)
- Tăng huyết áp động mạch phổi
- Bệnh Sarcoidosis (Cụm tế bào viêm phát triển trong phổi)
- Bệnh cơ tim (viêm cơ tim, giãn cơ tim)
- Rối loạn nhịp tim
- Bệnh lý suy tim
- Bệnh mạch vành
- Viêm màng ngoài tim (tình trạng các mô bao quan tim bị viêm)
- Covid-19
- Hụt hơi, khó thở hậu covid-19
Đối tượng dễ mắc triệu chứng khó thở
Bên cạnh những người đang bị các bệnh về tim mạch hay phổi thì các đối tượng sau thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh:
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai
Khó thở nhẹ là triệu chứng thông thường khi mang thai. Giải thích cho triệu chứng thì có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự gia tăng hormone progesterone (loại hormone chỉ tiết ra trong thời kỳ mang thai), tim phải làm việc nhiều hơn khiến mẹ cảm thấy khó thở, thể tích phổi giảm đi vào cuối thai kỳ…
Người mắc các bệnh mạn tính
Các triệu chứng khó thở sẽ ghé thăm nếu người bệnh trải qua giai đoạn phát triển của một số bệnh lý dưới đây, ung thư, đái tháo đường, bệnh về gan, thận…
Trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị khó thở nguyên nhân là do dễ mắc phải các bệnh lý về đường hô hấp trên, dị tật đường thở, hít phải dị vật làm viêm nắp thanh quảng.
Phương pháp chẩn đoán các bệnh khó thở
Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên việc khám sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân, cùng với miêu tả đầy đủ các triệu chứng mà họ gặp phải. Bạn cần cho bác sĩ biết các thông tin về tần suất khó thở, mỗi lần kéo dài trong bao lâu và mức độ.
Bên cạnh việc thăm khám Bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số kiểm tra cận lâm sàng nếu nhận thấy có gì đó không ổn:
- Chụp X-quang ngực và chụp cắt lớp (CT scanner): Để chẩn đoán cụ thể hơn về tình trạng bệnh, đồng thời đánh giá sức khoẻ của tim, phổi và các hệ thống liên quan
- Điện tâm đồ (ECG): nhằm xác định các vấn đề liên quan đến sức khỏe của tim
- Xét nghiệm xoắn ốc: Đo luồng không khí và dung tích phổi của bệnh nhân, từ đó xác định vấn đề về đường hô hấp.
- Xét nghiệm máu: xét mức độ oxy trong máu và khả năng vận chuyển oxy của máu
Bị khó thở khi nào cần gặp bác sĩ?
Đôi khi khó thở có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Vì thế, bạn cần chủ động thăm khám Bác sĩ nếu có những triệu chứng sau:
- Tình trạng xảy ra trong thời gian dài không rõ nguyên nhân
- Xảy ra đột ngột nhưng nghiêm trọng
- Mất khả năng hoạt động do khó hô hấp
- Đau tức ngực
- Buồn nôn
- Khó hoặc không ngủ được khi nằm
- Sưng bàn chân và mắt cá chân
- Sốt, ớn lạnh và ho
- Thở khò khè
Biến chứng nguy hiểm của bệnh khó thở
Khó thở là kết quả của tình trạng thiếu oxy hoặc giảm oxy trong máu, tức là mức oxy trong máu thấp. Nếu chủ quan với tình trạng bệnh mà không có phương pháp điều trị cụ thể, não sẽ không đủ oxy cần thiết để hoạt động trong thời gian dài, dẫn đến suy giảm nhận thức tạm thời hoặc vĩnh viễn. Kéo theo một số các biến chứng nguy hiểm khác như tổn thương não, hoại tử não, đột quỵ…
Phương pháp điều trị các triệu chứng khó thở
Để điều trị các triệu chứng khó thở trước nhất bạn cần điều chỉnh lại lối sống, sau đó hãy nghĩ đến các biện pháp can thiệp y khoa. Cụ thể:
Chế độ sinh hoạt ăn uống và luyện tập
Thừa cân béo phì và lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó thở, hãy hướng đến thực đơn ăn uống lành mạnh kết hợp cùng thể dục điều độ để đưa cân nặng của bạn về mức bình thường. Trong trường hợp bạn bị các bệnh mạn tính, cần tham khảo kỹ ý kiến Bác sĩ để xây dựng chế độ ăn và dinh dưỡng phù hợp
Phục hồi chức năng phổi
Trường hợp bị phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và các vấn đề liên quan đến phổi khác, bạn cần được chăm sóc bởi các Bác sĩ chuyên khoa phổi. Có thể bạn sẽ được thở oxy để cải thiện hoặc tiến hành liệu trình “Phục hồi chức năng phổi”. Đây là chương trình tập thể dục, rèn luyện cho phổi, qua đó các chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật hít thở nhằm giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn.
Phục hồi chức năng tim
Nếu nguyên nhân dẫn đến khó thở có liên quan đến tim mạch, chứng tỏ tim bạn quá yếu, không thể bơm đủ lượng máu mang oxy cung cấp cho các bộ phận của cơ thể. Khi đó phục hồi chức năng cơ tim có thể giúp người bệnh kiểm soát chứng suy tim và các bệnh lý về tim mạch khác. Trong những trường hợp suy tim nghiêm trọng, Bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng máy bơm nhân tạo để đảm nhiệm chức năng bơm máu thay tim bị suy yếu.
Phòng tránh khó thở bằng cách nào?
Các biện pháp phòng tránh khó thở mà bạn cần lưu ý:
- Không hút thuốc: Hút thuốc hầu như là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về phổi. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bao giờ đụng đến nó. Nếu bạn đã hút thuốc nhiều năm, hãy bắt đầu dừng lại từ bây giờ, sức khoẻ tổng thể của bạn sẽ được cải thiện trong vài giờ sau khi bạn bỏ thuốc
- Ô nhiễm môi trường cùng các hoá chất độc hại trong không khí cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về hô hấp. Vì thể bạn nên tập thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Ngoài ra, trường hợp bạn làm việc trong môi trường có chất lượng không khí kém hãy sử dụng khẩu trang có than hoạt tính để lọc các chất gây kích thích phổi và đảm bảo chỗ ở của bạn luôn thông thoáng
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý sẽ giúp bạn tránh được một số vấn đề về hô hấp
Khó thở tuy là triệu chứng phổ biến nhưng không được vì thế mà chủ quan. Hy vọng với những kiến thức chúng tôi đem lại, bạn có thể hiểu những nguy hiểm mà triệu chứng khó thở đem lại cũng như cách phòng tránh. Cảm ơn đã đọc.