Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm.
Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó có 11.189 ca đột quỵ; 3.845 ca viêm đường hô hấp dưới; 2.423 ca ung thư phổi, phế quản, khí quản; 10.741 ca thiếu máu tim cục bộ và 5.034 ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Để hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và cách phòng tránh, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Cường – Cử nhân Môi trường, Khoa Sức khỏe môi trường & Y tế trường học thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh về vấn đề này.
Phóng viên: Hiện nay ô nhiễm không khí đang là vấn đề đáng báo động, đặc biệt mật độ bụi có trong không khí ở nhiều khu vực ngày càng cao. Vậy xin ông cho biết về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ông Nguyễn Hùng Cường: Ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân. Chất gây ô nhiễm có thể phân loại theo nguồn gốc: Do tự nhiên hoặc con người tạo ra.
Do tự nhiên: Ta có thể thấy một vài hiện tượng điển hình do tác nhân ô nhiễm tự nhiên như: Ô nhiễm không khí do khói từ các vụ cháy rừng, phun trào núi lửa,… Ở Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, các chuyên gia khí tượng cho biết, khi chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, nền nhiệt độ trong không khí khá cao cộng với sự di chuyển, biến động của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến cho lượng bụi mịn không thể khuếch tán mà bị giữ lại làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Bên cạnh đó, vào những ngày có độ ẩm cao, sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất cũng làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Các tác nhân do con người tạo ra: Khói bụi sẽ sinh ra chủ yếu thông qua các hoạt động sản xuất và sinh hoạt như: Đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; khí thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt là khí thải từ các phương tiện giao thông.
Phóng viên: Vậy tại tỉnh Quảng Ninh những tác nhân nào có thể gây ô nhiễm không khí, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Cường: Ở tỉnh Quảng Ninh chúng ta, những tác nhân chủ yếu dẫn tới ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động khai thác khoáng sản, khí thải từ các nhà máy, khu công nghiệp (không chỉ đặt tại Quảng Ninh mà có thể từ các tỉnh/ thành, khu vực lân cận như Hải Phòng hoặc Trung Quốc), khu vực kinh doanh và xử lý thủy hải sản. Khói bụi từ các phương tiện giao thông và các công trình xây dựng cũng là một trong những tác nhân quan trọng.
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quan trắc môi trường tại thành phố Cẩm Phả
Phóng viên: Theo kết quả giám sát môi trường của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh thì mức độ cảnh báo về ô nhiễm môi trường không khí của tỉnh như thế nào? Những khu vực nào có mức độ cảnh báo cao, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Cường: Kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh cho thấy có sự khác biệt lớn về chất lượng không khí tại các khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh. Môi trường không khí tại các khu vực chịu ảnh hưởng từ các hoạt động: Khai thác khoáng sản, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất năng lượng, giao thông có dấu hiệu ô nhiễm bụi lơ lửng ở nhiều mức độ khác nhau và có xu hướng ngày càng gia tăng. Ngược lại, tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, các khu du lịch, nồng độ bụi lơ lửng đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiêu chuẩn không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT). Cụ thể:
Tại khu du lịch Bãi Cháy, biểu hiện ô nhiễm bụi trên tuyến đường giao thông đã xuất hiện trong năm 2017 và đầu năm 2018 do hoạt động cải tạo đang diễn ra. Đặc biệt trong đầu năm 2018, nồng độ bụi lơ lửng tăng vọt trong quý I/2018 (279 μg/m3 /giờ), xấp xỉ ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1 giờ là 300 μg/m3).
Hầu hết các tuyến giao thông chính trên địa bàn tỉnh đều có dấu hiệu ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Tuy nhiên các thông số ô nhiễm có xu hướng giảm so với giai đoạn 2010-2015. Do không còn hoạt động vận chuyển than trên các tuyến giao thống chính.
Các khu dân cư tập trung tại các khu vực miền núi của tỉnh như thị trấn Bình Liêu, thị trấn Tiên Yên, thị trấn Ba Chẽ có chất lượng không khí tốt.
Ngoài ra, còn một tác nhân vô cùng quan trọng đó là các bãi rác. Hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh đều là các bãi rác xử lý theo hình thức chôn lấp. Trải qua thời gian vận hành nhiều năm, các bãi rác trên địa bàn tỉnh đều đã xuất hiện tình trạng quá tải, có nguy cơ trở thành các nguồn ô nhiễm môi trường và vấn đề gây ô nhiễm mùi đối với môi trường không khí. Ngoài vấn đề mùi, các thông số khác như bụi, khí, tiếng ồn đều nằm trong ngưỡng cho phép của quy chuẩn đối với khu vực gần các bãi rác.
Phóng viên: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Cường: Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối. Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.
Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh như: Tiểu đường, tim mạch, ung thư, hen suyễn, phì đại tâm thất, bệnh võng mạc, các bệnh ngoài da,… Các hạt bụi mịn và siêu mịn là những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.
Phóng viên: Vậy, người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, thưa ông?
Ông Nguyễn Hùng Cường: Để phòng ngừa các bệnh lý cũng như tác hại do ô nhiễm không khí gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần phải nắm được thông tin về mức an toàn trong không khí để có kế hoạch phòng vệ cho bản thân. Trong những ngày ô nhiễm không khí nguy hại, người dân đặc biệt trẻ em và phụ nữ có thai, người lớn tuổi, hạn chế ra đường hay tham gia các hoạt động ngoài trời.
Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí. Các chuyên gia lưu ý, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế không thể lọc được bụi mịn mà chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi. Để ngăn được bụi mịn, cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng như N95 hoặc N99. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi. Khi về nhà, cũng nên rửa mặt, rửa mũi để giảm thời gian hạt bụi tiếp xúc trên đường hô hấp và trên da. Đồng thời, người dân nên nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, hạn chế phơi thực phẩm, áo quần ngoài trời, hạn chế sử dụng nước mưa.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
(Nguồn: Hải Ninh)