Người mắc bệnh lao phổi khi ho, khạc nhổ làm bắn ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao bay vào không khí và lưu chuyển đi khắp mọi nơi. Khi hít phải vi khuẩn lao trong không khí là bị nhiễm lao, nếu sức đề kháng của cơ thể tốt, các vi khuẩn lao bị khống chế “ở trạng thái không hoạt động” nên chúng không phát triển được để có thể gây bệnh. Khi sức đề kháng của cơ bị suy giảm (do suy dinh dưỡng, do nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ em dưới 5 tuổi…) là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao.
Mục lục:
* Những dấu hiệu của bệnh lao
Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác:
– Ho ra máu
– Sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm
– Đau tức ngực
– Gầy sút cân.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nói trên cần phải đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh, xét nghiệm 3 mẫu đàm tìm vi khuẩn lao. Soi đàm bằng kính hiển vi là một xét nghiệm đơn giản và chính xác để chẩn đoán bệnh lao phổi. Vì không có tổn thương nào trên phim chụp X-quang phổi đặc trưng cho bệnh lao, nên không dựa vào X-quang để chẩn đoán bệnh lao phổi.
* Điều trị bệnh lao
Bệnh nhân lao phải được chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị bệnh tại cơ sở chuyên khoa lao, thực hiện điều trị theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc đó là: Phối hợp thuốc chống lao, đúng liều, đều hàng ngày và đủ thời gian. Phải xét nghiệm lại đàm 3 lần vào các thời điểm: sau tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của giai đoạn điều trị tấn công, sau tháng thứ 5 và thứ 8 của giai đoạn điều trị duy trì.
Sau khi điều trị thuốc chống lao được vài tuần, dấu hiệu bệnh thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và có thể tăng cân, đó là biểu hiện tốt, nhưng bệnh chưa khỏi, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị cho đủ 8 tháng. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị (ngừng dùng thuốc trước 8 tháng) bệnh không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại các thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Thuốc chống lao có thể gặp một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, chóng mặt, ngứa…là các tác dụng phụ nhẹ nên bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc. Nếu cảm thấy giảm thị lực (nhìn mờ), giảm thính lực (nghe kém), đau khớp hoặc thấy vàng mắt cần phải ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay.
Các thuốc sử dụng điều trị lao cho phụ nữ mang thai vẫn an toàn, nên phụ nữ đang mang thai có thể tiếp tục điều trị bệnh lao, nhưng không nên sử dụng Streptomyxin vì có thể gây điếc cho thai nhi. Tốt nhất tránh mang thai trong khi khi đang điều trị bệnh lao, nhưng không nên quá lo lắng nếu có thai.
Phụ nữ mang thai chữa bệnh lao có thể vẫn tiếp tục cho con bú, nguy cơ tác động có hại của thuốc chống lao đối với trẻ em là rất hãn hữu. Tuy nhiên nên đưa con đi khám định kỳ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thuốc chống lao. Nên uống thuốc sau khi cho con bú và cho trẻ bú bình vào lần bú tiếp theo sau khi uống thuốc. Không nên cho con bú nếu cả mẹ và con đều phải điều trị thuốc chống lao, vì một phần thuốc chống lao sẽ qua sữa mẹ làm tăng nồng độ thuốc chống lao trong máu của đứa trẻ nên dễ có nguy cơ ngộ độc.
* Những điều bệnh nhân lao cần nhớ
– Bệnh lao hoàn toàn chữa khỏi nếu bệnh nhân uống thuốc đều đặn, đúng liều và đủ 8 tháng.
– Cần đến khám lại mỗi tháng 1 lần.
– Nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ có hại của thuốc như: Mắt nhìn mờ, chóng mặt, nghe khó, vàng da, vàng mắt,…. cần phải ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay.
– Không hút thuốc lá, không uống rượu. Có thể ăn, ở cùng mọi người trong gia đình nhưng phải uống thuốc đúng chỉ dẫn.
– Không cần phải ăn kiêng (ngoại trừ người bệnh lao có kèm theo đái tháo đường).Trong quá trình điều trị 8 tháng cần phải xét nghiệm lại đàm 3 lần để xem kết quả điều trị có tốt không và bệnh đã khỏi chưa.
* Bệnh lao và HIV/AIDS
Bình thường khi bị nhiễm lao người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lao là 10% trong cả cuộc đời. Nếu nhiễm thêm HIV nguy cơ đó là 10% mỗi năm, bởi vì nhiễm HIV làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao trong cơ thể sinh sôi tăng nhiều về số lượng và gây bệnh lao. Nghĩa là ở bệnh nhân nhiễm HIV nguy cơ trong đời bị mắc bệnh lao sẽ tăng lên 30 lần. Lao và HIV/AIDS là tình trạng hai bệnh nguy hiểm đồng thời trên một người bệnh, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV/AIDS.
* Phòng lây nhiễm cho cộng đồng
Để phòng lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, người mắc bệnh lao cần phải:
– Uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sỹ. Thường chỉ sau 2 tuần điều trị sẽ nhanh chóng làm giảm khả năng lây bệnh cho người khác.
– Che miệng và quay mặt về phía khác khi ho, khi hắt hơi
– Không khạc nhổ đàm bừa bãi, cần khạc đàm vào giấy rồi gói lại và đốt đi
– Nếu có điều kiện thì ngủ ở phòng riêng có thông khí tốt
– Khuyên những người trong gia đình đi khám bệnh xem có bị lây nhiễm không
– Tiêm phòng BCG cho trẻ.