Lao kháng thuốc là tình trạng bệnh có mức độ nguy hiểm gấp nhiều lần so lao phổi với thông thường. Chính vì vậy nhiều bệnh nhân không biết lao kháng thuốc chữa được không và nên áp dụng cách điều trị nào. Để trả lời cho vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo ngay bài chia sẻ dưới đây.
Mục lục:
Lao kháng thuốc là gì? Lao kháng thuốc có lây không?
Trước khi tìm hiểu lao kháng thuốc có chữa được không và các biện pháp điều trị tốt nhất bạn đọc cần nắm được kiến thức về lao kháng thuốc dưới đây:
Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao có khả năng chống lại ít nhất một trong các loại thuốc chữa lao phổi đang được sử dụng. Điều này có nghĩa là các loại thuốc đang dùng không còn hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn lao. Từ đó khiến vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn, tàn phá cơ quan phổi và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Lao kháng thuốc đều do khuẩn lao gây ra nhưng có mức độ xâm nhập và phát triển mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, khuẩn lao rất dễ dàng lây lan qua không khí.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 26/2/2008, tỷ lệ nhiễm lao kháng nhiều thuốc hiện nay ở mức rất cao. Theo ước tính, mỗi năm có đến khoảng nửa triệu ca lao kháng thuốc, chiếm khoảng 5% trong số 9 triệu ca nhiễm lao hàng năm.
Hiện nay số liệu về bệnh nhân bị lao kháng thuốc tại Việt Nam chưa có con số chính xác. Nhưng tỷ lệ mắc lao kháng thuốc ở nước ta cũng rất cao, nhất là ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Căn cứ vào kết quả kháng sinh đồ và các xét nghiệm chẩn đoán nhanh được WHO chứng thực (Hain test, Xpert MTB/RIF…), tiêu chuẩn để chẩn đoán cho các thể bệnh lao kháng thuốc được xác định gồm:
- Kháng đơn thuốc: Đây là thể bệnh kháng với duy nhất một thuốc chống lao hàng một khác Rifampicin.
- Kháng nhiều thuốc: Thể này có khả năng kháng với từ 2 thuốc chống lao hàng một trở lên mà không kháng với Rifampicin.
- Lao kháng Rifampicin: Thể này kháng với Rifampicin và có hoặc không kháng thêm các thuốc chống lao hàng một khác kèm theo (có thể kèm kháng đơn thuốc, kháng nhiều thuốc, đa kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc).
- Đa kháng thuốc (MDR-TB): Thể lao kháng thuốc này có khả năng đồng thời với ít nhất 2 loại thuốc chống lao là Isoniazid và Rifampicin.
- Tiền siêu kháng: Đây là thể đa kháng có kháng thêm với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone hoặc kèm theo ít nhất một trong 3 thuốc tiêm hàng hai (Capreomycin, Amikacin, Kanamycin) mà không đồng thời cả 2 loại trên.
- Siêu kháng thuốc (XDR-TB): Đây là thể lao đa kháng có khả năng kháng bất cứ thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone và ít nhất một trong ba loại thuốc tiêm hàng hai như trên.
Phân loại lao kháng thuốc
Một số cách phân loại lao kháng thuốc thường được dùng trong y tế:
Phân loại theo tiền sử điều trị bệnh lao phổi
Dựa theo triệu chứng và tiền sử điều trị bệnh lao phổi có thể phân thành các loại sau:
- Lao đa kháng mới: Bệnh nhân chưa có tiền sử điều trị lao hoặc mới điều trị lao dưới 1 tháng (còn gọi là lao đa kháng nguyên phát).
- Tái phát: Bệnh nhân có tiền sử điều trị lao trước đây, đã được kết luận khỏi bệnh hoặc hoàn thành điều trị, tuy nhiên hiện nay được chẩn đoán là lao đa kháng.
- Thất bại công thức I: Bệnh nhân có tiền sử điều trị theo công thức I trước đây nhưng thất bại.
- Thất bại công thức II: Bệnh nhân có tiền sử điều trị theo công thức II trước đây nhưng thất bại.
- Điều trị lại sau bỏ trị: Trường hợp đã có tiền sử điều trị lao trước đây, được kết luận là bỏ trị và đến hiện tại được chẩn đoán là lao đa kháng.
- Lao đa kháng khác: Trường hợp bệnh nhân lao đa kháng không rõ kết quả điều trị trước đây.
Phân loại theo xét nghiệm trước điều trị
Trước khi điều trị, bệnh nhân lao kháng thuốc thường được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, căn cứ vào đó có thể phân loại như sau:
- Trường hợp soi trực tiếp dương tính, nuôi cấy dương tính (S+, C+).
- Trường hợp soi trực tiếp âm tính, nuôi cấy dương tính (S-, C+).
- Trường hợp soi trực tiếp dương tính, nuôi cấy âm tính (S+, C-).
Nguyên nhân dẫn đến lao kháng thuốc là gì?
Lao kháng thuốc là bệnh lý có thể xảy ra do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan sau:
- Chủ quan do bệnh nhân: Các trường hợp kháng thuốc đều do bệnh nhân không thực hiện điều trị đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ như: Quên thuốc, tự ý bỏ thuốc, kéo dài thời gian dùng thuốc, không tái khám,…
- Về phác đồ điều trị: Đây là nguyên nhân chủ yếu từ phía bác sĩ điều trị như: Phối hợp thuốc chưa phù hợp, chưa đủ liều, chưa đủ thời gian, chưa hướng dẫn người bệnh kỹ lưỡng, chỉ định thuốc kém chất lượng,….
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn lao kháng thuốc ở trong cộng đồng.
Biểu hiện của lao kháng thuốc
Một số biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng giúp bạn dễ dàng nhận ra lao kháng thuốc:
Lâm sàng: Bệnh nhân trong quá trình điều trị lao xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi lại xuất hiện lại. Các triệu chứng này có thể tăng lên theo thời gian và khiến bệnh nhân sụt cân liên tục. Các triệu chứng này khá giống với biểu hiện của bệnh lao thông thường vì vậy nhiều người bệnh không tưu phân biệt được.
Cận lâm sàng: Trước khi đưa ra kết luận, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm lao kháng thuốc. Nếu kết quả nằm trong các trường hợp dưới đây thì bệnh nhân đang mắc lao kháng thuốc:
- Xét nghiệm AFB dương tính liên tục; âm tính một thời gian rồi dương tính trở lại hoặc dương tính, âm tính xen kẽ.
- Trường hợp kháng sinh đồ cho kết quả kháng các thuốc chống lao hàng 1 hoặc thuốc tiêm hàng 2.
- Tổn thương phổi trên X-quang không có nhiều khác biệt với bệnh nhân bị lao thông thường.
Lao kháng thuốc có chữa được không?
Lao kháng thuốc có thể chữa khỏi nếu áp dụng đúng phương pháp mà bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, so với bệnh lao thông thường, người bị lao kháng thuốc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Trường hợp điều trị không kịp thời hoặc đúng cách thì khả năng không chữa khỏi là tương đối cao. Vì vậy, tỉ lệ chữa khỏi lao đa kháng thuốc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Quan trọng nhất là phải xác định được loại lao kháng thuốc mà người bệnh đang mắc phải.
Người bị lao bình thường chỉ cần điều trị 6 tháng đã có tỷ lệ khỏi bệnh tới 91%. Tuy nhiên, bệnh nhân bị lao kháng thuốc dù đã áp dụng phác đồ điều trị tiên tiến nhất thì tỷ lệ khỏi bệnh cũng chỉ đạt 75%. Không chỉ vậy, những trường hợp này phải cần tới 9 tháng điều trị, thậm chí kéo dài đến 24 tháng mới có hiệu quả. Đối với trường hợp lao siêu kháng thì tỉ lệ khỏi bệnh còn thấp hơn rất nhiều, thậm chí có bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng nặng hơn.
Không chỉ có tỉ lệ khỏi bệnh thấp, cần thời gian trị bệnh dài, khi chữa lao kháng thuốc còn dễ gặp phải các tác dụng phụ như: Sốt kéo dài, đau bụng dưới, phát ban,da hoặc mắt có màu vàng, buồn nôn, nước tiểu sẫm màu hoặc nâu, mệt mỏi, chán ăn, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu,…
Cách điều trị lao kháng thuốc hiệu quả
Lao kháng thuốc có chữa được hay không có thể phụ thuộc vào phác đồ và loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng. Chính vì vậy, sau khi thăm khám và thực hiện xét nghiệm kỹ lưỡng các bác sĩ mới chỉ định bệnh nhân sử dụng một trong các loại thuốc điều trị dưới đây:
- Fluoroquinolon: Bệnh nhân sử dụng levofloxacin và gatifloxacin với liều khởi đầu là levofloxacin 500 mg mỗi ngày. Sau đó tăng lên 750 mg/một ngày nếu bệnh nhân trên 45kg. Với fluoroquinolone, bác sĩ khuyến cáo không nên dùng quá gần thời gian sử dụng những thuốc kháng acid chứa kim loại như nhôm, magie, kẽm.
- Aminoglycosid: Bác sĩ sẽ sử dụng để tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch khoảng 2 – 3 lần mỗi tuần và dùng cùng liều như khi tiêm ngày một lần. Loại thuốc này cần điều trị 6 tháng hoặc lâu hơn nếu bác sĩ cảm thấy phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh. Loại thuốc này không nên sử dụng liều quá cao vì có thể gây độc cho hệ thần kinh trung ương và bị động kinh.
- Cycloserin: Đây là loại thuốc chỉ được chỉ định cho trường hợp bệnh lao kháng thuốc mạnh.
Lưu ý: Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị lao kháng thuốc này. Vì sử dụng không đúng liều lượng có thể khiến chi phí điều trị lao kháng thuốc tăng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Biện pháp phòng ngừa bị lao kháng thuốc
Lao kháng thuốc có chữa được không? Qua kiến thức được chia sẻ trên đây thì tình trạng lao kháng thuốc có thể trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu mắc tình trạng bệnh này thì cần tốn nhiều thời gian và tiền bạc để điều trị. Không chỉ vậy, một số trường hợp có sức khỏe yếu có thể mắc phải một số di chứng về sau do lao kháng thuốc gây ra.
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc lao kháng thuốc, người bệnh cần:
- Dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ: Lao là một trong các bệnh lý có tỉ lệ kháng thuốc cao. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là bệnh nhân không được bỏ qua liều hoặc ngừng điều trị sớm. Trong quá trình dùng thuốc theo chỉ dẫn, nếu gặp bất cứ vấn đề gì cũng nên sớm báo cho bác sĩ để được đổi thuốc điều trị phù hợp.
- Thăm khám và chẩn đoán nhanh: Bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ về tình trạng lao kháng thuốc, nhất là các biểu hiện lâm sàng. Nếu cơ thể bắt đầu có biểu hiện bệnh thì cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ chuyên khoa. Có như vậy mới có thể rút ngắn thời gian điều trị và tránh tốn kém thêm chi phí. Nếu bệnh nhân để tình trạng lao kháng thuốc nặng mới tìm giải pháp thì rất khó chữa khỏi bệnh.
- Tránh tiếp xúc gần với những bệnh nhân lao kháng thuốc: Khuẩn lao kháng thuốc có thể lây nhiễm nhanh chóng giống như khuẩn lao thông thường. Do đó bạn cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đến những nơi đông người. Tốt nhất bạn nên đeo khẩu trang nếu bắt buộc phải tiếp xúc với người khác.
- Giữ gìn sức khỏe tốt: Người có sức khỏe, hệ miễn dịch tốt thì có thể chống lại vi khuẩn xâm nhập. Do đó, bạn nên có chế độ nghỉ ngơi và làm việc khoa học, bổ sung đủ dinh dưỡng cho cơ thể và tập thể dục hàng ngày.
Hiện nay y học rất phát triển vì vậy bạn không cần lo lắng lao kháng thuốc có chữa được không. Nếu những kiến thức chia sẻ trên đây chưa làm bạn yên tâm thì có thể liên hệ với trang tin hoặc bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể hơn.