Trong những năm qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số vào mọi hoạt động. Nhờ đó, ngành đã có nhiều đổi mới quan trọng trong công tác quản lý, triển khai, ứng dụng thành công các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh (KCB); cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian chờ đợi cho người dân đi KCB…
Mục lục:
Giảm tải và nâng cao chất lượng KCB
Ngành Y tế Quảng Ninh vừa phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học phẫu thuật nội soi và ngoại khoa toàn quốc năm 2017. Theo đó, các ca phẫu thuật nội soi trình diễn của 3 bệnh viện (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy và Sản Nhi Quảng Ninh) đã được truyền hình trực tuyến thông qua hệ thống Telemedicine (y tế từ xa) đến hội trường của Hội nghị, do các giáo sư đầu ngành trong nước phối hợp thực hiện. PGS.TS. Trần Bình Giang, Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi và Nội soi Việt Nam, cho biết: Truyền hình trực tuyến từ phòng mổ của các bệnh viện đến hội trường hội nghị là điểm mới của Hội nghị lần này. Bởi, ngành Y tế Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước phát triển và ứng dụng hệ thống Telemedicine, lắp đặt trong các phòng phẫu thuật. Chúng tôi đánh giá rất cao việc đầu tư, ứng dụng CNTT mà ngành Y tế Quảng Ninh đang triển khai. Qua đó, góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên tuyến trên, đặc biệt là tại các vùng biên giới, hải đảo, nằm cách xa trung tâm.
Từ năm 2016 đến nay, ngành Y tế Quảng Ninh đã đầu tư và phát triển được 30 điểm cầu Telemedicine. Qua đó, kịp thời triển khai việc tổ chức họp trực tuyến, giúp chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ đào tạo chuyên môn… Bên cạnh đó, hệ thống thông tin hỗ trợ KCB từ xa được đầu tư tại 10 phòng phẫu thuật của 4 bệnh viện lớn của tỉnh và 6 trung tâm y tế tuyến huyện có giường bệnh, trong đó có Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, huyện đảo duy nhất cách xa đất liền của tỉnh. Theo đó, thay vì phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến Trung ương với công nghệ truyền hình tương tác, các bệnh viện của Quảng Ninh có thể kết nối với nhiều chuyên gia, bác sĩ tại nhiều bệnh viện để chẩn đoán cấp cứu cấp tốc, thực hiện ca mổ cứu sống bệnh nhân nguy kịch…
Bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, khẳng định: “Ứng dụng CNTT trong KCB, người bệnh được hưởng lợi bởi hệ thống hội chẩn từ xa. Nhất là ở huyện đảo xa đất liền như Cô Tô. Vừa qua, chúng tôi đã kịp thời hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để điều trị cho trẻ 2 ngày tuổi bị nhiễm khuẩn sơ sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể học tập chuyên môn qua hệ thống y tế từ xa với các bệnh viện lớn của tỉnh”.
Theo ước tính, bên cạnh yếu tố hỗ trợ cứu chữa kịp thời, tốn thời gian di chuyển lên bệnh viện tuyến trên, hệ thống KCB từ xa mỗi năm tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho bệnh nhân và người nhà. Nhờ đó, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến Trung ương ngày càng giảm, chỉ còn 1,2%.
Tăng cường ứng dụng CNTT
Hiện nay, toàn ngành Y tế Quảng Ninh có 37 đơn vị trực thuộc và 186 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài việc được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, khang trang và trang sắm nhiều thiết bị chuyên môn hiện đại thì ngành dành ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho CNTT. Đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở y tế đã được đầu tư, trang bị máy tính; 95% CBCCVC và người lao động phải sử dụng máy tính trong công việc đều được trang bị máy tính. 100% phòng, ban chức năng thuộc Sở Y tế đã được kết nối mạng LAN và Internet. Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh (WAN) cũng được sở triển khai, đảm bảo tốt việc khai thác các ứng dụng và dịch vụ dùng chung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.
Trong quản lý, điều hành, 90% công việc của Sở Y tế và các đơn vị thực hiện trao đổi trên môi trường mạng, qua hệ thống thư điện tử, hệ thống phần mềm chia sẻ dữ liệu nội bộ riêng. Đây là một quy định bắt buộc của ngành trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, ngành Y tế Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng đáp ứng được yêu cầu của công việc chuyên môn, như: Phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý y tế về nhân sự, dịch bệnh, VSATTP, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý dược…; phần mềm quản lý đường dây nóng; phần mềm quản lý KCB y tế xã, phường; cơ sở dữ liệu phác đồ điều trị; phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân; phần mềm quản lý chất lượng bệnh viện.
Đặc biệt, Quảng Ninh tiếp tục là một trong 5 địa phương trong cả nước tích cực tham gia thí điểm mô hình quản lý sức khỏe toàn dân. Sau 4 tháng triển khai đã có 15% người dân tỉnh Quảng Ninh có hồ sơ trên hệ thống thông tin cơ bản về sức khỏe và những thông tin này được cập nhật bổ sung thường xuyên. Mục đích mô hình là ứng dụng CNTT trong quản lý cơ sở dữ liệu và quản lý sức khỏe toàn dân tỉnh Quảng Ninh; thiết lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cho mỗi người dân trên địa bàn tỉnh, có các thông tin cơ bản về sức khỏe và được cập nhật, bổ sung thường xuyên.
Ứng dụng CNTT còn giúp ngành Y tế thực hiện tốt công tác cải cách hành chính. Đặc biệt là cải cách TTHC, ngành đã triển khai Hệ thống quản lý tác nghiệp liên thông một cửa và xây dựng quy trình, đưa 99/128 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 từ tháng 10/2016. Hiện tại, Sở Y tế vẫn đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý chính quyền điện tử tỉnh cập nhật, bổ sung thay thế lại các nội dung thủ tục đã được ban hành sửa đổi. Từ ngày 1/7/2017, Sở Y tế đã triển khai 3 TTHC về trang thiết bị y tế thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên hệ thống dmec.moh.gov.vn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, trong hoạt động KCB, thanh toán BHYT, các đơn vị y tế có ứng dụng CNTT rất cao. Các đơn vị đã xây dựng, đồng bộ hóa được bộ danh mục dùng chung trong KCB; xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng kho phác đồ điều trị phục vụ KCB. Đến nay, 100% đơn vị, cơ sở KCB và trạm y tế tuyến xã đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB, chuyển dữ liệu thanh toán BHYT sang cổng tiếp nhận của BHXH đúng quy định. Hệ thống ứng dụng CNTT bệnh viện với những ứng dụng cận lâm sàng cũng được chú trọng như với máy chẩn đoán hình ảnh, máy xét nghiệm hóa sinh, huyết học và các máy thăm dò chức năng (nội soi các loại, điện tim, điện não, lưu huyết não).
Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện cho biết: Hiện nay, ngành Y tế Quảng Ninh được đánh giá là đi đầu trong toàn quốc về phát triển CNTT. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai Dự án Y tế thông minh, thực hiện tại 3 bệnh viện là Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi Quảng Ninh. Ngành đã phối hợp với các chuyên gia CNTT trong và ngoài nước để nghiên cứu, thực hiện hiệu quả Dự án này. Qua đó nhằm giảm thủ tục, giấy tờ, sổ sách, tiến tới là bệnh viện không giấy tờ; mọi quy trình đều được số hoá, đảm bảo an toàn, bảo mật, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho quá trình KCB của người dân.