Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 bệnh nhân tử vong. Ước tính đến năm 2020, mỗi năm số ca mắc mới ung thư phổi ở cả hai giới tại Việt Nam là hơn 34.000 ca.
Các chuyên gia ngành y Việt Nam nhận định 90% ung thư phổi có nguyên nhân từ việc hút thuốc lá, 4% người mắc ung thư phổi không hút thuốc, nhưng họ gián tiếp hít một lượng đáng kể khói thuốc lá từ người bên cạnh.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu – Bệnh viện Quận Thủ Đức cảnh tỉnh, hầu hết các trường hợp phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Ung thư trong nhu mô phổi thường không gây đau đớn giai đoạn đầu, vì thế người bệnh chỉ phát hiện ra các triệu chứng khi bệnh đã tiến triển xấu. Phổ biến nhất có thể thấy ở bệnh nhân đó là ho kéo dài. Ho chiếm khoảng 70% các trường hợp, khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực. Bên cạnh đó, người bệnh bị khan tiếng kéo dài do khối bướu xâm lấn trực tiếp hoặc các hạch bạch huyết ở trung thất di căn, làm liệt dây thanh âm.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết, tùy theo giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn, khả năng đáp ứng điều trị… bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị. Thông thường với bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ và chưa lây lan rộng sẽ được chỉ định phẫu thuật, xạ trị để xử lý. Hiện tại có rất nhiều thuốc mới, giúp bệnh nhân kéo dài và nâng cao chất lượng sống rất tốt.
Ngoài yếu tố di truyền, những người sống ở môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với tia phóng xạ, công nhân luyện thép, hầm mỏ, hoặc làm việc tại các công trình nhiều khói bụi, luyện thép, khí than… đều có nguy cơ cao bị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng.
Ung thư phổi thường chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Ung thư còn giới hạn trong phổi và chưa lan ra tới hạch bạch huyết, khối u có đường kính nhỏ hơn 5cm.
Giai đoạn 2: Khối u ở giai đoạn này có thể lớn hơn 5cm hoặc nó xâm lấn các cấu trúc xung quanh như thành ngực, cơ hoành hoặc lớp mô mỏng bao quanh phổi (gọi là màng phổi). Ung thư có thể lan tới các hạch bạch huyết lân cận.
Giai đoạn 3: Khối u ở giai đoạn này phát triển rất lớn và xâm nhập các cơ quan khác gần phổi, hoặc một khối u nhỏ đi kèm với các tế bào ung thư ở các hạch bạch huyết xa phổi.
Giai đoạn 4: Ung thư đã lan xa, có thể tấn công bên phổi còn lại hoặc di căn tới các nơi khác xa hơn trong cơ thể.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, với những người nghiện thuốc, hãy bỏ thuốc ngay bây giờ, hoặc khi hút nên tìm chỗ vắng người. Hãy góp ý với những người đang hút thuốc bên cạnh bạn để bản thân mình không ảnh hưởng bởi khói thuốc, nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi.
Chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp cơ thể bổ sung dinh dưỡng và vitamin cần thiết. Nên tập cho mình thói quen khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh. Nếu cảm thấy cơ thể không khỏe, hay có các triệu chứng ho kéo dài, ho ra máu, mệt mỏi, đau ngực, khó thở… hãy đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời, đúng cách nếu phát hiện bệnh. |